Lịch tổ chức Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu năm 2017

Thứ hai - 29/05/2017 09:32
Đến hẹn lại lên, năm nay Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu lần thứ IV sẽ được tổ chức vào ngày 27-5-2017 với nhiều hoạt động hấp dẫn
Lịch tổ chức Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu năm 2017
  Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu lần thứ IV năm 2017 được tổ chức gồm 09 nội dung, cụ thể:

          1. Thi hái quả, trình bày quả và thưởng thức quả

Ban Tổ chức lựa chọn 06 đội thi, gồm: Thị trấn Nông Trường Mộc Châu 04 đội, xã Tân Lập 02 đội (là các bản, tiểu khu do UBND thị trấn Nông Trường Mộc Châu và UBND xã Tân Lập lựa chọn).

1.1.  Phần thi hái quả: Ban Tổ chức bố trí  01 vườn mận, các đội bốc thăm, chọn 01 cây để thực hiện việc hái quả, thời gian tối đa 10 phút. Kết thúc phần hái quả, Ban giám khảo tổ chức cân trọng lượng, đánh giá chất lượng quả (quả chín, to, đều, đẹp, không bị dập…) để chấm điểm (phần thi này tuyệt đối không được bẻ cành, đập quả, hoặc thực hiện những thao tác làm ảnh hưởng đến cây).

1.2.  Phần thi giới thiệu và trình bày mâm quả: Kết thúc phần thi hái quả, các đội trình bày 01 mâm quả (cách thức trình bày phải đảm bảo đẹp mắt, sáng tạo và có ý nghĩa, gắn với một chủ đề cụ thể như: Chủ đề về tình yêu quê hương đất nước hoặc gắn với hoạt động lao động sản xuất, phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc...), thời gian thực hiện tối đa 10 phút. Sau khi hoàn thành, các đội thuyết minh, giới thiệu về đội thi, về kỹ thuật hái quả, các dụng cụ hái quả để cho năng xuất, chất lượng cao và thuyết minh ý nghĩa của mâm quả.

1.3. Phần thi ăn mận: Để khẳng định quả mận hậu Mộc Châu là sản phẩm sạch, ngon, tốt cho sức khỏe. Sau khi kết thúc phần thi hái quả, trình bày và giới thiệu mâm quả, các đội sẽ thực hiện phần thi ăn mận. Mỗi đội cử ra 01 người để thực hiện phần thi. Trong thời gian 90 giây, đội nào ăn được nhiều quả mận nhất đội đó sẽ thắng cuộc. Sau khi các đội kết thúc phần thi, Ban tổ chức mời đại biểu, khán giả, du khách cùng tham gia và trao phần thưởng.

2. Thi giới thiệu và tìm hiểu kiến thức về quả mận hậu Mộc Châu

- Mỗi đội thi phải thực hiện một bài giới thiệu về quả mận hậu Mộc Châu để thuyết trình, bao gồm các nội dung: Nguồn gốc xuất xứ cây mận hậu, sản lượng, diện tích cây mận hậu trên địa bàn huyện Mộc Châu; các sản phẩm được sản xuất ra từ quả mận; giá trị và hàm lượng chất dinh dưỡng của quả mận hậu; giá trị kinh tế của quả mận hậu gắn với đời sống của người nông dân; tác dụng của quả mận đối với sức khỏe và đời sống con người…(bài giới thiệu ngắn gọn, không dài quá 2 trang A4, không trùng với các bài đã dự thi từ những năm trước).

- Sau khi thực hiện bài thuyết trình, mỗi đội phải bốc thăm và trả lời 01 câu hỏi của Ban tổ chức Ngày hội. Nội dung câu hỏi tập trung tìm hiểu kiến thức về cây mận hậu, giá trị quả mận hậu, các sản phẩm được tạo ra từ quả mận hậu, cách trồng, chăm sóc để cây mận hậu cho năng suất cao, các giải pháp để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm… (có hệ thống câu hỏi và gợi ý trả lời; khuyến khích các đội thi trình bày ý tưởng tổ chức hoạt động tham quan du lịch từ vườn mận hậu, quả mận hậu và các sản phẩm mận hậu Mộc Châu).

- Bắt đầu (hoặc kết thúc) phần thi của mỗi đội sẽ có 01 tiết mục giao lưu văn nghệ xen kẽ để tạo không khí sôi nổi, cổ vũ cho các đội thi.

3. Tổ chức vinh danh những người trồng mận tiêu biểu

- Tại Ngày hội, sẽ lựa chọn 05 điển hình tiêu biểu, có nhiều thành tích và đóng góp xây dựng thương hiệu, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản phẩm mận hậu Mộc Châu để tổ chức vinh danh tại Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu năm 2017, cụ thể:

- Lựa chọn, vinh danh 02 hộ nông dân có sản lượng mận lớn nhất, cho thu nhập cao nhất huyện Mộc Châu năm 2016;

- Lựa chọn, vinh danh 02 hộ nông dân có mô hình trồng mận năng xuất cao nhất, tạo ra các sản phẩm mận tốt nhất tại Mộc Châu;

- Lựa chọn, vinh danh 01 tổ chức (hoặc cá nhân, doanh nghiệp) tiêu biểu trong việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm hoặc có công lao đóng góp và có ảnh hưởng lớn đến phát triển cây mận hậu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân Mộc Châu.

(Do UBND thị trấn Nông Trường Mộc Châu, UBND xã Tân Lập mỗi đơn vị đề cử 05 điển hình; báo cáo UBND huyện để thẩm định, lựa chọn 05 đại diện thực sự tiêu biểu). 

4. Hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian

          4.1. Thi kéo co

          Tổ chức thi đấu giữa các đội tham gia thi hái quả, mỗi đội gồm 8 người, trong đó có 04 VĐV nam, 04 VĐV nữ.

          4.2. Trò chơi Rồng ấp trứng 

          - Đối tượng: Tổ chức thi giữa 06 đội tham gia Ngày hội.

- Nội dung và hình thức chơi: Mỗi đội gồm 03 người, lần lượt 02 đội một thi với nhau, thực hiện việc giữ trứng và cướp trứng trong vòng ấp trứng có đường kính 2m, vòng cướp trứng có đường kính 5m, trứng 15 quả.  Mỗi trận đấu được quy định 03 phút. Người “Ấp trứng” có nhiệm vụ giữ trứng,  hai tay chống xuống đất hai chân đưa ra phía sau trong vòng tròn 2m gần như úp bụng lên trứng và đánh trả người cướp trứng bằng chân trong vòng tròn 02 mét. Đội cướp trứng có 03 người, đứng ở ngoài vòng tròn 5m chạy vào vòng tròn 2m để cướp trứng, mỗi lần cướp chỉ được 1 quả, tránh sự đánh trả của người ấp trứng. Nếu người cướp trứng bị người ấp trứng đánh trúng hoặc chạm vào bất kỳ bộ phận nào của cơ thể thì người đó bị loại khỏi cuộc chơi. Trong thời gian 03 phút đội nào cướp được nhiều trứng hơn, đội đó sẽ thắng cuộc.

          4.3. Thi bắn nỏ (phần thi dành cho khách du lịch)

          - Nội dung: Tổ chức cho du khách trải nghiệm với môn thể thao dân tộc  (bắn nỏ), có tính điểm trao thưởng.

- Hình thức: Du khách mua tên của Ban tổ chức chuẩn bị, thực hiện bắn nỏ tính điểm, mỗi lượt bắn tối đa không quá 03 tên; tên bắn đạt từ điểm 8 trở lên sẽ được trao thưởng; trong 03 tên, chỉ trao 01 phần thưởng cho tên có điểm số cao nhất (để đảm bảo thuận lợi cho du khách tham gia thi bắn nỏ, Ban tổ chức sẽ bố trí người hỗ trợ lắp tên, lên nỏ phục vụ du khách).

5. Thi cắm trại

Tổ chức cắm 06 trại văn hóa cho 06 đội thi tham gia các hoạt động của Ngày hội hái quả, có đánh giá chấm điểm. Trại do Ban tổ chức chuẩn bị, các đội tham gia thực hiện việc trưng bày, bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng văn hóa của dân tộc mình như: Trang phục, ẩm thực dân tộc; các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dụng cụ lao động sản xuất...(khuyến khích các đội trưng bày, bán các sản phẩm ẩm thực dân tộc, sản phẩm được chế biến từ quả mận hậu phục vụ khách du lịch). 

(Các nội dung thi có thể lệ quy định chi tiết)

6. Trưng bày, triển lãm, giới thiệu về quả mận hậu

Tổ chức từ 01 - 02 gian hàng trưng bày, triển lãm, bán, giới thiệu quả mận hậu và các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ quả mận hậu; dụng cụ, máy móc dùng để sản xuất, chế biến mận, trình diễn quy trình sản xuất, chế biến mận và các món ăn được chế biến cùng với quả mận hậu… (nội dung này giao cho Hợp tác xã dịch vụ phát triển Nông nghiệp 19/5 chủ trì thực hiện).
         
7. Tham quan du lịch và dịch vụ hái quả


- Tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, trong đó khuyến khích người dân và du khách mặc trang phục dân tộc khi đến tham gia Ngày hội.
      
    - Tổ chức dịch vụ hái quả phục vụ khách du lịch: Kết nối với một số Công ty lữ hành, tổ chức Tour tham quan du lịch và dịch vụ hái quả tại khu trồng mận Nà Ka, khách có nhu cầu sẽ được tự hái và mua quả làm quà cho người thân và gia đình.


 
          8. Hoạt động giao lưu văn nghệ
      
    - Tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng khai mạc Ngày hội hái quả huyện Mộc Châu lần thứ IV năm 2017.
    
      - Văn nghệ giao lưu giữa các hạt nhân văn nghệ huyện và những người nông dân trồng Mận hậu; các tiết mục văn nghệ xen kẽ trước và sau phần thi của mỗi đội nhằm cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần cho các đội thi.

9. Các gian hàng ẩm thực dân tộc
     
    Tổ chức các gian hàng ẩm thực phục vụ du khách: Trưng bày, giới thiệu các món ăn dân tộc độc đáo và hấp dẫn, mang đặc trưng của các dân tộc huyện Mộc Châu. Các món ăn phải được chế biến, kết hợp hài hòa từ các loại thực phẩm động vật, thực vật, đảm bảo ngon, chất lượng, an toàn. Du khách có nhu cầu có thể thưởng thức trực tiếp món ăn tại các gian hàng.

 

- Giới thiệu, quảng bá sản phẩm mận hậu Mộc Châu; tôn vinh những người trồng mận; tạo cơ hội để những người trồng mận được giao lưu, học hỏi, tìm hiểu, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mận; tạo ra các sản phẩm có giá trị cao từ quả mận hậu.
- Nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; tạo cơ hội hợp tác giữa người trồng mận với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ quả mận hậu; góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho người nông dân trồng mận của huyện Mộc Châu;
- Tạo sự tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp với du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch đến với Khu Du lịch Quốc gia Mộc Châu.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tìm kiếm Tour
Lịch
Sự kiện nông nghiệp
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây